Sanh không đau- gây tê ngoài màng cứng
Đa số các mẹ bầu đều sợ cơn đau đẻ, nhưng thiên chức buộc người phụ nữ phải mang thai và sinh con. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển đã hỗ trợ rất nhiều cho việc “vượt cạn” của các mẹ bầu, trong đó phải nói đến kỹ thuật đẻ không đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng.
Giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng trong đẻ không đau
Chìa khoá của phương pháp “sinh không đau” này chính là thủ thuật gây tê ngoài màng cứng (ưu việt hơn thủ thuật gây tê tuỷ sống do đã hạn chế được tác dụng hạ huyết áp của sản phụ cũng như gây mê trong sinh mổ). Gây tê ngoài màng cứng được áp dụng cho cả sinh thường và sinh mổ, thủ thuật này còn giúp cả bác sĩ và sản phụ chủ động hơn trong việc lựa chọn cách sinh phù hợp và tốt nhất. Nhờ có thủ thuật này, nhiều bà mẹ đã có thể có được trải nghiệm sinh con tuyệt vời và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Gây tê ngoài màng cứng hiệu quả ra sao?
Thủ thuật này giúp giảm đau liên tục tại phần dưới cơ thể trong khi mẹ vẫn tỉnh táo và có ý thức với toàn bộ cơ thể mình. Nó gây ức chế cảm giác tại vùng cần giảm đau nhưng không làm mẹ trở nên tê liệt toàn bộ cơ thể. Phương pháp gây tê này ngày nay được sử dụng phổ biến trong nhiều loại phẫu thuật lớn nhỏ cần gây tê cục bộ và được áp dụng phổ biến trong sản khoa, cho cả phương pháp sinh thường và sinh mổ. Thuốc gây tê được truyền qua ống thông (rất mảnh và linh hoạt) nối vào khoang ngoài màng cứng bao quanh màng cứng của cột sống.
Thủ thuật gây tê được tiến hành như thế nào?
Để có thể đưa ống thông thuốc gây tê vào khoang ngoài màng cứng, bạn phải nằm nghiêng cuộn tròn người hoặc ngồi ở mép giường khi bác sĩ gây tê hoặc y tá sát trùng vùng lưng, tiêm thuốc tê tại chỗ và cẩn thận chọc kim dẫn vào vùng lưng dưới của mẹ. Tiến trình này nghe có vẻ đau đớn trước khi thuốc gây tê có tác dụng, nhưng bạn đừng lo, rất nhiều bà mẹ đã khẳng định là nó không đau như họ tưởng tượng.
Tiếp đó, họ sẽ luồn ống thông qua kim, rút kim và cố định ống thông để thuốc tê có thể được truyền vào khi cần thiết. Lúc này, bạn đã có thể nằm thẳng bình thường mà không bị khó chịu vì ống thông.
Sau quá trình đặt ống thông, bạn sẽ được truyền một liều thuốc tê thử nghiệm để chắc chắn là ống gây tê ngoài màng cứng được đặt đúng chỗ để tiến hành truyền đủ liều thuốc tê nếu không có vấn đề gì. Nhịp tim của thai nhi sẽ được theo dõi liên tục trong suốt quá trình, bắt đầu từ việc gây tê đến khi người mẹ hoàn tất quá trình sinh nở. Huyết áp của bạn cũng được đo mỗi 5 phút sau khi gây tê để đảm bảo không có ảnh hưởng tiêu cực.
Thuốc được dùng trong gây tê ngoài màng cứng thường là hỗn hợp của chất gây tê cục bộ và chất gây mê. Thuốc gây tê cục bộ sẽ “khoá” cảm giác đau, xúc giác, dịch chuyển và nhiệt độ, còn thuốc gây mê ngăn cơn đau ảnh hưởng đến khả năng cử động chân (rất quan trọng để tăng lực rặn nếu bạn sinh thường). Khi được kết hợp với nhau, chúng giúp giảm đau tốt mà không làm mất cảm giác vận động chân và chỉ cần dùng ở liều thấp hơn so với dùng riêng rẽ từng loại.
Bạn sẽ bắt đầu thấy tê sau 10-20 phút từ liều đầu tiên, dù cho tế bào thần kinh ở tử cung bắt đầu tê liệt chỉ trong vài phút. Bạn sẽ tiếp tục được truyền thêm thuốc qua ống truyền trong suốt quá trình sinh nở.
Sau khi em bé chào đời, ống truyền sẽ được tháo bỏ. Nếu bạn sinh mổ, ống truyền có thể được giữ lại để truyền thuốc kiểm soát cơn đau hậu phẫu. Việc rút ống truyền không gây đau đớn gì hơn việc lột miếng băng dính khỏi da.
Khi nào là tốt nhất để áp dụng gây tê ngoài màng cứng?
Hầu hết chuyên gia y tế và bác sĩ sản khoa muốn bạn chuyển dạ tự nhiên trước khi bắt đầu cho giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng. Thường thì kíp đỡ đẻ sẽ đợi cho cổ tử cung bạn giãn 4-5cm và có nhịp co thắt đều đặn mới bắt đầu gây tê vì lo ngại gây tê sẽ làm giảm co thắt tự nhiên để đẩy em bé ra ngoài khiến cuộc “vượt cạn” kéo dài và khó khăn hơn bình thường.
Nếu bạn đến bệnh viện trước khi bước vào giai đoạn chuyển dạ tích cực và bạn quyết định sử dụng biện pháp gây tê ngoài màng cứng, kíp đỡ có thể tranh thủ đặt ống thông sẵn sàng trước. Sau đó bạn có thể đợi truyền thuốc khi bắt đầu chuyển dạ tích cực. Bạn cũng có thể đợi xem cảm giác của mình như thế nào trước khi quyết định gây tê. Bạn vẫn có thể quyết định điều đó cho đến khi đầu em bé đã lọt ra.
Gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng đến em bé sơ sinh?
Hầu hết các nghiên cứu gần đây xác nhận rằng gây tê ngoài màng cứng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ sơ sinh (theo chỉ số Apgar – kết quả kiểm tra sức khoẻ tổng quát trẻ sơ sinh được thực hiện ngay sau khi bé ra đời.) Trên thực tế, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng những em bé ra đời trong những ca sinh có áp dụng gây tê ngoài màng cứng có chỉ số Apgar cao hơn so với các bé được sinh ra mà mẹ không được giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng.
Việc gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng đến khả năng bú mẹ ngay sau khi sinh vẫn còn tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng bé sơ sinh có thể gặp vấn đề về ngậm và bú nếu người mẹ dùng gây tê ngoài màng cứng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng kết luận này không đủ căn cứ.
Dù sao đi nữa, dù có tác dụng phụ nào của gây tê ngoài màng cứng lên trẻ sơ sinh thì cũng nhẹ hơn nhiều so với việc giảm đau bằng gây mê toàn thân.
Ai cũng có thể áp dụng gây tê ngoài màng cứng?
Không phải tất cả phụ nữ đều phù hợp với phương pháp giảm đau này. Bạn không thể áp dụng gây tê ngoài màng cứng nếu có huyếp áp thấp hơn bình thường (do nguy cơ xuất huyết và các vấn đề khác), rối loạn chảy máu, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng da ở vùng lưng sẽ tiến hành chọc kim, hoặc nếu bạn vốn có cơ địa dị ứng với thuốc gây tê. Phụ nữ sử dụng thuốc làm loãng máu cũng không thể dùng biện pháp giảm đau này.
Ưu điểm và nhược điểm của gây tê ngoài màng cứng
Ưu điểm của gây tê ngoài màng cứng
– Gây tê ngoài màng cứng có lộ trình giảm đau hiệu quả xuyên suốt cuộc sinh nở.
– Bác sĩ gây tê có thể kiểm soát được hiệu quả giảm đau thông qua điều chỉnh linh hoạt loại thuốc, liều lượng và cường độ của thuốc. Điều này rất quan trọng vì khi quá trình chuyển dạ xảy ra và em bé bắt đầu tuột xuống đường sinh, thuốc tê có thể không đủ để kiểm soát cơn đau hoặc bạn có thể thình lình thấy đau ở những vùng khác.
– Vì hiệu quả của thuốc chỉ khu trú ở một vùng, bạn sẽ tỉnh táo và ý thức được toàn bộ quá trình chuyển dạ và sinh con của mình. Và vì bạn không cảm thấy đau đơn, bạn có thể nghỉ ngơi thậm chí thiếp đi để dành sức cho việc rặn đẻ khi mọi thứ đã sẵn sàng.
– Không giống như gây mê, đối với gây tê ngoài màng cứng, chỉ một lượng thuốc rất nhỏ có thể tiếp cận với em bé.
– Khi ống truyền đã được đặt, nó có thể được dùng để truyền thuốc tê nếu bạn cần phải đẻ mổ hoặc thắt ống dẫn trứng sau khi sinh xong.
Nhược điểm của gây tê ngoài màng cứng
– Bạn phải giữ nguyên một tư thế không mấy dễ chịu với chiếc bụng bầu trong 10-15 phút khi ống truyền vào khoang ngoài màng cứng được đặt, và sau đó bạn có thể phải đợi thêm từ 5-20 phút nữa để thuốc phát huy tác dụng. Đây dường như là một bất lợi nho nhỏ so với ích lợi làm vô hiệu cái đau khủng khiếp hàng giờ sau đó.
– Tuỳ vào loại thuốc và liều lượng được truyền, bạn có thể mất cảm giác ở chân và không thể đứng dậy được cho đến khi thuốc tan. Đôi khi, đặc biệt là trong giai đoạn đầu chuyển dạ, bạn có thể được gây tê một chút để cảm thấy thoải mái trong khi vẫn có cảm giác chân và đi lại bình thường. Tuy nhiên, nhiều bệnh viên có thể không cho bạn rời khỏi giường khi bạn đã được gây tê ngoài màng cứng, dù bạn nghĩ là mình có thể đi lại được hay không.
– Việc gây tê ngoài màng cứng cũng buộc bạn phải gắn các ống truyền, thường xuyên theo dõi huyết áp và liên tục kiểm tra thai.
– Gây tê ngoài màng cứng thường khiến giai đoạn chuyển dạ kéo dài hơn. Sự mất cảm giác ở phần dưới cơ thể làm yếu phản xạ đẩy xuống khiến bạn sẽ khó khăn hơn khi rặn em bé ra ngoài.
Bạn có thể muốn giảm liều gây tê khi đang rặn để có thể chủ động và tích cực hơn khi sinh con, nhưng điều đó có thể mất thêm thời gian để thuốc giảm tác dụng và khi đó bạn có thể thấy đau khủng khiếp trở lại, hơn nữa không có bằng chứng cho thấy giảm liều gây tê thực sự giúp rút ngắn giai đoạn chuyển dạ.
– Gây tê ngoài màng cứng khiến bạn có nhiều khả năng phải được trợ sinh bằng máy hút và kẹp forcep để lôi em bé ra, làm tăng nguy cơ rách âm đạo và có thể làm em bé bị bầm tím. Tuy nhiên, nguy cơ gây các vấn đề nghiêm trọng với bé là khá thấp.
– Trong một số trường hợp, gây tê ngoài màng cứng có thể khiến tác dụng giảm đau “chỗ có chỗ không”. Điều này là do sự khác biệt về giải phẫu học của một vài phụ nữ hoặc do thuốc không thấm đều vào các tế bào thần kinh cột sống sau khi được tiêm vào khoang ngoài màng cứng.
Ống truyền có thể bị xê dịch sau khi đặt cũng khiến thuốc gây tê không tác dụng đều. Vì vậy nếu bạn bắt đầu cảm thấy đau ở vị trí bất kỳ, hãy nói với kíp đỡ đẻ để kiểm tra ống truyền thuốc tê hoặc liều lượng thuốc.
– Thuốc gây tê dùng trong gây tê ngoài màng cứng có thể gây hạ huyết áp tạm thời và giảm lượng máu đến em bé khiến nhịp tim của bé giảm. (Bạn đừng lo, vấn đề này được kíp đỡ đẻ theo dõi chặt chẽ và được can thiệp điều trị ngay nếu cần thiết.)
– Thuốc gây mê được truyền trong gây tê ngoài màng cứng có thể gây ngứa, đặc biệt ở vùng mặt của bạn. Nó cũng có thể khiến bạn thấy buồn nôn nhưng nhẹ và ít gặp hơn so với hình thức dùng thuốc gây mê toàn thân. Một số phụ nữ cảm thấn buồn nôn và nôn nửa trong khi chuyển dạ dù không chịu tác động của thuốc giảm đau.
– Thuốc gây tê dùng trong gây tê ngoài màng cứng có thể làm bạn mất cảm giác buồn tiểu, vì vậy bạn có thể được chỉ định đặt ống thông tiểu để hỗ trợ tiểu tiện.
– Gây tê ngoài màng cứng cũng tăng khả năng sản phụ bị sốt trong khi chuyển dạ. Chưa có giải thích chính xác cho vấn đề này, nhưng một giả thiết cho rằng do bạn không cảm thấy đau nên cũng bớt gắng sức và ít đổ mồ hôi hơn, do vậy cơ thể khó thoát nhiệt hơn.
Vấn đề này không làm tăng nguy cơ nhiễm trùng của em bé, nhưng do hiện tượng sốt chưa rõ ràng và nghi vấn nhiễm trùng của trẻ sơ sinh nên nhiều bà mẹ và em bé có xu hướng sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết.
– Gây tê ngoài màng cứng có liên hệ với tỷ lệ ngôi thai ngược hoặc xoay mặt về phía bụng mẹ lúc sinh cao hơn. Sản phụ sinh con ngôi ngược có thời gian chuyển dạ lâu hơn và có xu hướng phải đẻ chỉ huy với thuốc kích đẻ Pitocin; họ cũng có nhiều khả năng phải đẻ mổ hơn.
(Dù vậy, vẫn tồn tại những tranh cãi xoay quanh việc liệu gây tê ngoài màng cứng có làm tăng tỷ lệ ngôi thai không thuận – do các cơ sàn chậu được thả lỏng nên kém tích cực trong việc xoay ngôi thai, hay là sản phụ có ngôi thai không thuận thường sinh con đau đớn hơn bình thường nên càng cần phải được gây tê ngoài màng cứng.)
– Khoảng 1 / 100 sản phụ phản hồi rằng họ bị đau đầu nghiêm trọng kéo dài vài ngày sau khi được gây tê ngoài màng cứng. Vấn đề này có thể do rò rỉ dịch não tuỷ, bạn có thể hạn chế nguy cơ đau đầu bằng cách nằm càng yên càng tốt trong khi đặt kim.
– Trong trường hợp rất hiếm, gây tê ngoài màng cứng có thể ảnh hưởng đến khả năng hô hấp, và một số trường hợp cực hiếm nó có thể gây tổn thương hoặc nhiễm trùng tế bào thần kinh.